Những mẩu chuyện quanh Hồng Quyền La Phù sơn

Trao đổi email với bạn phương xa những mẩu chuyện quanh Hồng quyền La Phù sơn

h.


Question ?
Chào bác

Như bác đã biết mục đích em gởi mail này cho bác cũng chỉ là hỏi bác về lịch sử môn Hồng Gia La Phù Sơn ...

Trước tiên, về phần câu hỏi, em xin đặt ra như sau:

 1) Tại sao đơn huyền công lại không có tên ...

 2) Lịch sử thành lập trước đó bên Trung Hoa ...

 3) Sư tổ Nam Hải Chân Nhân thật sự tu luyện ra sao, thành tựu và hướng đi như thế nào? Thân thế của người khác với huyền thoại ra sao ...

 4) Tại sao trước đây chỉ nghe nói có 18 thế đơn bộ nội công, rồi sau đó lai có 24 thế và 36 thế ...

 5) Môn khí công thật sự của La Phù Sơn là gì, đường hướng tu luyện dùng để làm gì ...

 

- Trên đây là những câu hỏi em mong rằng bác giải đáp phần nào thắc mắc bấy lâu trong em,

 

Answer:

 

Thân chào anh


Trước hết, rất vui mừng anh đã gởi email đến chứng tỏ trong anh có điều chuộng sự thật và không ngại những hậu quả sau đó, đó là cái Dũng của nhà võ mà con đường chúng ta chọn để đi đến.

 

Những câu hỏi của anh quá dài va nhiều hơn tôi nghỉ nên xin được trả lời thành nhiều phần nếu có thể


Cho phép tôi được gọi anh bằng anh  và được xưng tôi vì tôi hơn anh khoảng mười mấy niên. Tôi qua Hoa kỳ đã rất lâu và chưa từng có dịp về thăm cố xứ.


Trước đây, tôi không học qua và trực thuộc một ngày nào về HGVN hoặc HG ở VN cũng như HGLPS, cho nên các master mà anh nhắc rải rác trong các email truớc, tôi không có chút thiên vị vì tôi không là học trò và đệ tử của bất cứ vị nào dù chỉ một ngày hay một chiêu. Tuy nhiên, sự tôn trọng và kính mến tôi dành cho tất cả vẫn đầy và đều như nhau dựa trên sự công tâm và tấm lòng ưa chuộng võ thuật.


Vì là người đứng ngoài sự tranh chấp của các chi phái nên tôi tự tin mình có được sự công tâm.

Vì không thuộc bất cứ hệ phái HG nào nên tôi không ngần ngại khi có những suy tư trong tinh thần duy trì sự thật.

Giới thiệu  qua lại với nhau như vậy để anh có thêm phần phán đoán khi đọc những câu trả lời mà chính những người trong cuộc hoặc các cấp cao nhất cũng mù mờ vì trước đây tất cả ( tôi dám nói tất c) chỉ tranh nhau học thật mau chiêu thức mà không có khái niệm nhiều về môn học của mình.

Vì thế,Sư tổ vẩn thường hay nói: Võ mà không Văn chỉ là cái dũng của kẻ thất phu thô lổ, Văn mà không võ chỉ là cái ương hèn của người trí trá.



Trước tiên, về phần câu hỏi, em xin đặt ra như sau:

 1) Tại sao đơn huyền công lại không có tên ...


Thưa anh, có lẽ câu này là vấn đề nan giải nhất mà không một ai biết kẻ cả các grand master của HG hiện nay và lại là mấu chốt quan trọng nhất trong vấn đề luyện quyền pháp của LPS.


Cho phép tôi được trả lời dông dài một chút ( theo nguyên văn của sư tổ ) khi mà người Hy lạp phát minh ra chữ viết, các nhà hiền triết thời đó đã chống đối quyết liệt vì như thế làm hỏng trí nhớ của con người, khiến trí óc chúng ta không còn vận dụng đến và chết héo đi (điều đó, khoa học thời này đã chiêm nghiệm là đúng), những năm 1968,69 khi dạy về Hồng Quyền, sư tổ không bao giờ gọi đó là đơn số 1 hay 2, hoặc bất cứ một tên gì để cô lập thế đó lại thành một quy ước mà chỉ gọi vắn tắt chung:


Đây là những Huyền Công.
 Tại sao là Huyền, con tập 10 năm rồi sẽ hiểu.


Sau đó, người vung tay lên thành từng nét một rồi nói: con tập như vậy...như vậy...
Những ngày sau, khi muốn tôi tập cho kỹ những chổ nào sai, người lai vung tay lên theo nét đó và nói; con tập thêm như thế này, thế này,,, Ậy chỗ này sai quá rồi, đi quét nhà thì được, bán Sơn Đông thì được, gọi là công phu chỉ khiến người cười.


Thưa anh, Hồng quyền do đích thân sư tổ dạy ra theo tôn chỉ của người không phải học loạn như ngày hôm nay, trong 3 năm đầu anh chỉ được luyện có 12 "nét", nghĩa là năm đầu tiên anh chỉ học có 4 nét, mỗi 3 tháng anh chỉ luyện tập mãi một nét trong ngày và 10 tiếng mỗi ngày, tôi nói mười tiếng chứ không đánh máy dư thêm số 0. Mười tiếng đó chia ra thêm cho vài động tác có thể tập ở nhà hoặc trong lớp như bẻ khớp tay, bàn tay, ngón tay, bẻ chân, móc chân v.v... mà không tạo chú ý cho người chung quanh.


Khi học qua nét thứ hai thì chia hai nét đó ra luyện trong ngày, cứ mãi như thế 9 năm sau mới hết được 36 đường nét đó, và năm sau đó sư tổ mới trao Pháp để mình vỡ ngộ.

 Thì ra, những nét huyền công đó khi có thể luyện lúc còn rất nhỏ theo phương pháp giống như Đồng Tử công của Thiếu Lâm nhằm mục đích luyện gân, căng gân và bện gân tối đa qua khỏi cái phàm lệ ước thúc của cơ thể bình thường.
 Giống như lúc nhỏ ta chơi trò "bắn bì " bằng dây thung vậy, dây càng tốt, càng căng (gân) bắn càng nhanh, chắp đôi hai sợi dây thung (bện gân) ăn một phát chỉ có...khóc.
Như vậy, 36 đường nét đó phối hợp với phép hít thở riêng biệt khi thông qua 12 đường kinh mạch chu thân nuôi dưỡng khí huyết, khai mở những trọng huyệt trong người qua phương pháp hậu thiên của Hồng Quyền làm các đường gân trở nên sống. Nói chữ Sống là vì gân có thể co giãn thu phát như ý muốn, muôn vạn biến hóa của các đòn phép do chữ Sống ( Thần ) mà vun tay vẩy lực, tất cả chiêu thức trở nên thành vô chiêu, tùy Ý, tùy tâm khởi, tùy động tĩnh như lưu thủy hành vân không có hình trạng nào.


Vì thế, bây giờ khi tôi ngộ được chữ Huyền này từ sư tổ thì tôi mới hiểu tại sao người lại không đặt tên cho các nét đó. Vì người không muốn chúng ta học quyền trong một cái khuôn bị đóng kín, giam hãm nét đó lại thành một chiêu thức, nếu tập như vậy, muôn đời ta không phát hiện được "sự sống" và sinh động trong gân nữa mà chỉ là một cái vung tay thô kệch, đánh tới đây-rút tới đây-bẻ qua đây của một chiêu thức với một cái tên vụng về và cứng ngắt.

Trừ khi luyện tập hoặc giao tay với các sư huynh đệ (có nương tay), thật ra trong giao đấu mà còn thủ các thế miếng thì sẽ thiệt thân nếu gân không sống, lực không phát.


Viết và suy tư đến đây cũng đã hơn 1 giờ, nếu anh muốn nghe tiếp, hãy gởi email hồi âm và cho biết ý kiến. Nếu anh thấy tôi nói nhảm quá, không có căn cứ logich nào hết cũng xin anh một tiếng nói để hai bên khỏi mất giờ của nhau.


Ngôn bất tận ý...


Question ?

chào bác

Kính thưa Bác, em rất hồi hộp và vui mừng khi nhận được email của Bác, khỏi phải nói sự vui sướng & hạnh phúc trong em: đọc từng dòng một, đọc thật chậm như không muốn thấy dòng cuối, cứ muốn rằng đọc mãi đọc mãi mà không mong phần kết thúc hiện ra ...

Đúng như Bác suy nghĩ, tất cả mọi thứ như quay 180 độ đối với em, từng câu từng chữ, đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần rồi, vậy mà sao vẫn thấy khó nuốt một sự thật này quá ...

Cả ngày cứ suy đi ngẫm lại ... và thật may mắn làm sao những gì mà em tìm tòi, tích lủy từ bao năm qua, những câu chuyện của các sư huynh trong lớp, của những người đi trước (câu chuyện của anh Thọ - @tvtt trong đặc san Đông Phương Hội số 4): tất cả đều như khuấy động tâm tư em, để cho tối nay khi cơn bão tư tưởng đi qua, mọi thứ xung quanh vắng lặng không có ai thì trong em mới lắng đọng lại một số vấn đề, rất mong bác soi xét:

 + Nếu coi các đơn (thật ra em chưa đủ tư cách để nói đến chữ Huyền, hoặc cũng đang hoang mang ở phần tên gọi số 1; số 2 hay tên này tên kia ...) là từng nét chữ (chắc các nét ở đây ám chỉ về chữ viết của người Trung Quốc) thì khi đã luyện đủ trọn vẹn 10 năm 36 nét là có khả năng viết hầu như bất kỳ chữ viết nào ... Hay nói một cách khác Việt hóa hơn thì ta coi từng nét đơn như là những nét hất, nét móc, nét vòng, nét tròn trong cách viết tiếng Việt thì khi luyện đủ nét theo tiêu chuẩn của Sư Tổ thì ta có thể viết bất kỳ chữ nào hoặc lời văn nào mà mình muốn diễn tả, hoặc trong cơn nguy cấp: tay tự nhiên vung lên cứu lấy mạng sống cho chúng ta ... Không biết em diễn tả như vậy có phù hợp với chữ Huyền không vậy ..
.

 + Con số 10 năm tuy dài thật nhưng thật ra đối với suy nghĩ của em thì cũng không đáng là bao cả, rồi thời gian cũng đưa ta tới thời điểm 10 năm sau này. Nhưng cái vấn đề mà Bác khẳng định với em là 10 tiếng trong mỗi ngày: đó mới thật sự là một sự thử thách khủng khiếp về ý chí, về tinh thần và sức chịu đựng của con người ... Vậy Bác có thể cho em hỏi kỹ thêm một chút về vấn đề này có được không: mình luyện liên tục 10 tiếng trong một ngày hay là mình luyện gián đoạn từng phân đoạn một làm sao cho đủ 10 tiếng trong ngày thì thôi. Vậy từng phân đoạn mình luyện trong thời gian là bao lâu: 30 phút rồi nghĩ, 1 tiếng, 2 tiếng hay 3; 4 tiếng đồng hồ ... và bằng cách nào mình giữ cho sự ham thích luyện đơn theo mình mãi trong 10 tiếng đồng hồ đó hết ngày này qua ngày khác ...

 + Về phần hơi thở thì xin thưa với Bác là hiện nay tụi em kéo đơn: các thầy luôn nhắc nhở 100% là hơi thở phải tự nhiên không nên cưỡng ép ... đối lập với câu của Bác "... 36 đường nét đó phối hợp với phép hít thở riêng biệt ...". Điều này khiến em rất bối rối, mong Bác giải thích thêm một chút nữa có được không ạ ...

 + Đối với việc bện gân trong kéo đơn thì Bác có thể cho em biết là mình bện gân ở vai (thông qua nẹp vai, cầu vai, sô vai) hay là mình bện nguyên cả cánh tay, ở trong bài này hình như em không thấy Bác dùng chữ "xoắn gân" thì phải .

Thực sự thì em rất thích nghe Bác kể chuyện, qua đó giúp em vỡ ra nhiều điều còn phân vân, đầu óc thêm phần sáng tỏ, các phần chắp nối cũng đã được liền lạc hơn ...

Answer:

Thân chào anh:

Tối nay đi làm về ngồi xuống nhận được thư phản hồi của anh thấy nhức đầu quá, trước hết những lời khen tặng của anh khiến tôi cứ lo mình thật sự giỏi được như vậy,đến một ngày chính mình cũng tin như vậy thì thê thảm quá.
Nhức đầu thứ hai là tôi chưa trả lời xong hết những câu anh đặt xuống thì anh đã tấp-pi thêm một loạt câu khác khiến tôi không biết bắt đầu từ đâu, thôi cứ tuần tự nhi tiến vậy...


chắc các nét ở đây ám chỉ về chữ viết của người Trung Quốc - Có lẽ anh đọc Kim Dung nhiều quá nên mới nhầm với bút pháp của Ngốc Bút Ông trong Giang Nam tứ hu rồi.

Thưa anh, những nét tôi nói ở đây là những đường nét phù hợp với các nguyên tắc vật lý để các kinh mạch nương theo đó có thể phát lực, bổ sung lực hoặc khắc chế các lực theo một hướng nào đó ( thí dụ như 5 bộ lực của Ngũ hành là 5 hướng đi vật lý tự nhiên ), những nét đó được các bậc tiền bối nghiên cứu và bổ sung qua bao thế hệ để tác thành. Sự thâm cứu đó giúp chúng ta xử dụng quyền pháp đạt được kết quả tối cao qua sự phối hợp của thân thủ và cách phát kình lực đúng phép phối hợp với lối hít thở đặc thù của Hồng Quyền La Phù sơn ( tôi cũng xin mở dấu ngoặc tại đây, vấn đề quan trọng nhất mà cũng chẳng ai để ý vì mải luyện võ, tôi không bao giờ dùng ch Gia mà luôn dùng ch Quyền. Sẽ trở lại việc này ở một bài khác)


trong cơn nguy cấp: tay tự nhiên vung lên cứu lấy mạng sống cho chúng ta: luyện như vậy chỉ là luyện phản xạ có điều kiện như phản xạ của Pavlov chứng minh qua, như thế không phải là cái THẦN của Hồng quyền và càng không phải là Huyền của Huyền công. Nhiều người tập tới đây thấy tay chân mình phản xạ như vậy tưởng là đại công cáo thành thì uổng quá.
Khi anh luyện Hồng Quyền, cùng lúc với anh luyện Thần để có được sự bình tĩnh và sáng suốt, thủ pháp của anh co bật theo sự điều khiển rõ ràng của Cân Lực cùng với sức phản chấn nếu chạm vào một kình lực đối nghịch trong phương pháp Thính kình.

Nói dễ hiểu hơn, khi giao tay hay chạm tay nhau, qua sự co giãn của gân, ta "nghe" được kình lực và "biết" được hướng đi của lực đạo đó, chọn lựa cách hóa giải hay phản đòn hoàn toàn tùy tâm ta sai xử qua thủ pháp, do tâm thức của ta phát ra quá nhanh, thủ pháp chúng ta lúc đó dưới sự điều khiển của Thần mà châm chế nên sự chính xác, sự nhanh nhẹn và lực đạo tùy cơ. Ch Huyền chính là như vậy


Nhưng cái vấn đề mà Bác khẳng định với em là 10 tiếng trong mỗi ngày: đó mới thật sự là một sự thử thách khủng khiếp về ý chí, về tinh thần và sức chịu đựng của con người ... Vậy Bác có thể cho em hỏi kỹ thêm một chút về vấn đề này có được không: mình luyện liên tục 10 tiếng trong một ngày hay là mình luyện gián đoạn từng phân đoạn một làm sao cho đủ 10 tiếng trong ngày thì thôi. Vậy từng phân đoạn mình luyện trong thời gian là bao lâu: 30 phút rồi nghĩ, 1 tiếng, 2 tiếng hay 3; 4 tiếng đồng hồ ...

Thưa anh, thời điểm mười tiếng mỗi ngày nếu anh được chính thức học với sư tổ thì có vẻ hơi ít, có những ngày cuối tuần hoặc lúc nghỉ hè, tôi tập nhiều thêm vài tiếng.

Dĩ nhiên là mình luyện chia ra nhiều lần trong ngày tùy theo thời khóa biểu và sức khỏe. Cũng có nhắc qua ở trên là đem kỷ thuật vào trường học để luyện tập nữa

và bằng cách nào mình giữ cho sự ham thích luyện đơn theo mình mãi trong 10 tiếng đồng hồ đó hết ngày này qua ngày khác ...

 Cùng  lúc tôi luyện huyền công thì tôi luyện phương pháp hít thở của TTKC, và đó mới chính là phép khí công chính của bản môn. Sự phối hợp đó khiến tôi không bao giờ chán vì tôi hưởng được ngay sự ích lợi của nó. Thứ hai, những lúc tôi luyện như vậy, ngoài võ thuật ra, sư tổ còn kể chuyện xưa của các danh nhân, võ sư, chí sỹ, đạo nhân, thy chùa v.v... hoặc những giai thoại của văn học hoặc người giảng về Nho -Y -Lý -Số. vói chung, thời mà chúng tôi không có được cái TV 40 inch với phim bộ kiếm hiệp thì tôi được khai trí và giải trí qua sư tổ thay vì đi bắn bi, chạy nhảy với bạn bè cùng lứa.


Về phần hơi thở thì xin thưa với Bác là hiện nay tụi em kéo đơn: các thầy luôn nhắc nhở 100% là hơi thở phải tự nhiên không nên cưỡng ép ... đối lập với câu của Bác "... 36 đường nét đó phối hợp với phép hít thở riêng biệt ...". Điều này khiến em rất bối rối, mong Bác giải thích thêm một chút nữa có được không ạ ...

Tôi được nghe từ nhiều môn sinh hoặc ngay cả những huấn luyện viên HG khắp nơi thắc mắc về điều này, nói chung, họ đều nói như nhau: khi hỏi các anh lớp lớn hơn đi trước cũng không ai biết gì ngoài cứ chỉ nhau thở bình thường, đến một ngày nào đó sẽ thành công. Nếu như vậy, thì không cần phải học võ vì chúng ta hiện đang thở rất bình thường và chưa thấy các "cụ" nào thành công cả.

Khí công của LPS chia ra làm hai là tiên thiên và hậu thiên: nghĩa là trước khi sinh ra và sau khi sinh ra. Trước khi sinh ra, chúng ta thở nơi cuốn rún, sau khi sinh ra thì thở bằng phổi.
Khi luyện HQ, là lúc chúng ta phải bơm khí vào các mạch máu để lưu thông hoặc tích tụ phần huyết nơi một số gân cơ phụ ứng, nếu chỉ hít thở bình thường thì khí huyết chỉ đi qua đó..rồi thôi.
Vấn đề này, chúng ta sẽ mổ xẻ thành một đề tài rất dài, thở theo phép hậu thiên là sao? thở theo Tiên thiên là sao ? khi nào thì thở theo phuơng pháp nào? v.v...

Nhưng tuyệt đối không phải là thở tự nhiên khi luyện võ còn đồng nghĩa với...thở đại.

Đối với việc bện gân trong kéo đơn thì Bác có thể cho em biết là mình bện gân ở vai (thông qua nẹp vai, cầu vai, sô vai) hay là mình bện nguyên cả cánh tay, ở trong bài này hình như em không thấy Bác dùng chữ "xoắn gân" thì phải ...

Hai đường gân ở ngay nách là chủ tất cả của sự luyện tập, tập nguyên cánh tay cứng ngắc là trở thành ngoại gia ngạnh công rồi, không phải huyền công. Xoắn gân chỉ là một trong vài kỹ thuật tập gân như xoắn - dui - vẩy - ghìm - bện v.v...


Thở Hậu thiên: như có nói qua phải mất vài trang giấy nới nói hết được, chúng ta sẽ để dành ở kỳ khác. Tôi cũng xin giới thiệu bác vào trong trang nhà của NHHM.multiply đọc thật kỹ các bài viết trong blog, đọc thật chậm vì nó có liên quan rt nhiều đến những bí quyết của LPS Hồng Quyền mà không ai để tâm đến khi chỉ lo luyện thế miếng hoặc chặt gach, chặt vách công phá, những phản lực đó nếu các anh không có nội công đúng mức sẽ tích tụ lại thành một nội thương di căn lâu dài đến khi già yếu sức trai tráng đã qua thì tật phát sinh do hậu quả của ngạnh công không tâm pháp.


Hẹn thư sau:

Question ?

2) Lịch sử thành lập trước đó bên Trung Hoa ?...

Answer

Chào anh

Hôm nay tôi được rảnh một chút để trả lời  câu hỏi tiếp của anh, thật ra đây là vấn đề khá tế nhị khiến tôi đắn đo nhiều.
Ngoài sân, trăng hiện đang tròn và sáng. Tôi nhắm mắt liên tưởng đến những đêm trăng xưa bên ông cụ, bình trà mạn, vài miếng mứt hoặc ít bánh trung thu và những câu chuyện của ông là hành trang thủa thơ ấu của tôi.

Tôi mê nghe chuyện xưa như các bà trong xóm mê cải lương vậy.

Chuyện kể rằng, cái thời mà Chu Nguyên Chương bên Tàu sau khi dẹp loạn Mông Cổ đánh tan quân Nguyên, ông ta lên ngôi hoàng đế và lấy niên hiệu là Hồng Võ.

 Thật ra, cái chữ Hồng 紅 này không có gì mới lạ, nhưng phải cắt nghĩa dài dòng hơn thêm.
Triều đình Trung Hoa ngày trước chiến loạn liên miên và những phiến quân nổi loạn chống phá triều đình thường không ai khác hơn là nông dân nghèo khó  ( chuyên chính vô sản ). Khi đã có quân binh thì phải có quân phục, nhưng họ đào đâu ra được đồng phục cho một đạo quân đông đảo. Để khỏi trở thành một đám ô hợp, họ dùng một cái khăn để chích đầu và dùng màu khăn để làm hiệu. Thời nhà Nam Tấn, đã có giặc cờ nâu, cờ trắng. Cuối thời nhà Hán, thời tiền tam quốc phân tranh xuất hiện giặc cờ vàng nhũng nhiễu dân lành (Hoàng Cân) v.v…
Sau đời mạt Tống, giặc Nguyên sau khi thôn tính Trung Hoa khiến xuất hiện trường chiến khốc liệt của nhiều nhóm chống đối trong đó mạnh nhất là quân cờ đỏ ( Hồng cân ) của Quách Tử Hưng mà Chu Nguyên Chương là một trong những tướng cầm đầu. Sau khi gom quyền bính về tay mình và tạm giản hòa với nhà Nguyên để tiện tay lần lượt  trừ khử những phiến quân khác trong đó có cánh Trần Hữu Lượng (hậu duệ nhà Trần Việt Nam) là hùng mạnh nhất, Chu Nguyên Chương mạnh tay đánh giết quân Mông Cổ, khôi phục độc lập và thống nhất Trung Hoa, như đã nói trên, lấy quốc hiệu là nhà Minh và niên hiệu cho năm đầu là Hồng Võ ( 洪武 ) để khích lệ võ công của đội quân hồng cân  theo ông nam chinh bắc chiến. ( Hồng ở đây đổi thành to lớn như chữ Hồng Thủy để nói lên một đạo quân lớn mạnh, thế không gì ngăn nổi.)


Từ đó, hình ảnh của đội quân màu đỏ đã in đậm sâu vào lòng dân tộc Trung Hoa như một chiêu bài giải phóng và cứu nguy dân tộc. Cụm từ đó trải dài theo lịch sử đã được mượn đi và lại nhiều lần cho những đoàn binh giải phóng sau này, chẳng hạn như nhóm Hồng môn phản Thanh mà thế lực hiện giờ vẫn còn trong bong tối khuynh đão ngầm tam quốc lưỡng ngạn Trung Hoa lục địa,HK và Đài loan.  Chữ này nhiều người lầm tưởng là họ Hồng của Hồng Hy Quan, nhưng thật ra HHQ lúc đó ở trong Thiếu Lâm Phúc Kiến chạy ra vốn không có tên họ này, ông dùng tên này như một bí danh mà nhiều lãnh tụ hoạt động cách mạng thường thay đổi khi cần thiết. Chữ Hồng ông dùng vừa có cái âm của quân Hồng Cân vừa mang ý nghĩa to lớn và mạnh bạo để kích thích ý chí của nghĩa quân thêm vững vàng.


Gần đây nhất, ta thấy sự có mặt của Hồng quân trung quốc cũng là vì vậy, cốt chiếm cho được chính danh trước để thu phục nhân tâm.

Trở lại với Hồng Cân binh của Chu Nguyên Chương, thời đại mà chiến trường là thực tế phải đối mặt, sự luyện quân tác chiến rất quan trọng, là yếu tố chủ yếu để phân thắng bại. Cho nên, tất cả những sở trường võ học của bao nhà được gom lại, chiết xuất độc chiêu, loại trừ những rườm rà, chú trọng tính cách thực chiến và nâng cao thể lực để có thể cầm vững binh khí giao chiến trường kỳ.


Loại quyền pháp thao luyện cho đội hồng cân binh đó gọi là Hồng quyền, vốn không đào sâu vào các bài quyền pháp đẹp mắt, không thuộc lòng các bản quyền thảo danh gia nhưng giá trị sát thương cao, hữu hiệu và áp dụng các yếu tố đơn thế ngắn và nguyên lý lực đạo vào quyền cước hay binh khí thập loại đều lợi hại như nhau nhờ ở các nguyên tắc phát lực toàn thân. Quyền pháp này, không phải chỉ mới có từ thời Chu Nguyên Chương mà thật ra là kinh nghiệm đúc kết từ ngàn năm khói lửa của trung thổ.

 Chẳng hạn như các thế luyện đao của Lý Tịnh cho quân đội thời sơ Đường là nguyên tắc cho bài Tam Nghĩa đao sau này.


Tàn chiến chinh, quân đội thời nào cũng cho giải ngũ để về quê canh tác thúc đẩy nền kinh tế kiệt quệ vì loạn lạc. Những nghĩa quân và tướng lãnh người nam kẻ bắc, đứa đằng đông đằng tây phân tán khắp nơi và đem theo họ những tuyệt kỹ võ thuật thời chiến tranh, để rồi sau đó được sửa đổi thành gia phái riêng hoặc môn phái chung thuận theo phong thổ địa phương biến thành một rừng võ (võ lâm) với bao môn độc đáo nhưng có cùng một căn cơ từ Hồng quyền mà ra.


Không hẳn ai cũng về quê làm ruộng hay buôn bán. Nhiều binh lính hoặc tướng tài vẩn còn ám ảnh với những chết chóc tàn nhẫn thời chiến nên chọn ẩn mình trong các cổ tự,chùa chiền hoặc sơn miếu. Những võ công của họ là nguồn gốc sâu xa cho Thiếu Lâm, Nga Mi, Không Động, La Phù v.v.. theo năm tháng mà tồn tại cất giữ hoặc cải biến để mỗi khi dân tộc Trung hoa cần đến thì những võ công này lại xuất hiện và sau khói lửa lại trở về với những nét đặc sắc mới cho từng nhà, từng môn phái.


La Phù Sơn Hồng Quyền là một nét đặc trưng rất ít người thật sự biết đến cái nguồn gốc uyên nguyên của nó.

Thời chống giặc Mãn Thanh, do quân đội bát kỳ chủ lực trấn đóng Bắc Kinh, các nhóm phản kháng cô thế mới xoay qua hoạt động chống đối tại các vùng xa kinh đô mà lưỡng Quảng là nơi lý tưởng nhất do gồm nhiều nguyên nhân:

1)    Bao bọc chung quanh bởi bin lớn và trong đất liền có nhiều núi hang và sông ngòi chằng chịt dễ xoay trở và thoát thân mi khi yếu thế.

2)    Kinh tế trù phú do thương buôn phát triển, buôn bán nội địa và ngoại quốc nên dễ kiếm được người giúp đỡ ngân quvà lương thực, khí giới.

3)    Dân vùng lưỡng Quảng vốn có nguồn gốc sâu xa là 1 tộc Việt trong nòi Bách Việt nên tiếng nói,văn hóa vẫn khác với nòi Hán và lâu nay vẫn bị kỳ thị bi người Hán nên mầm mng bất mãn càng cao chống đối triều đình Mãn Hán.

4)    Vùng phát triển võ học cực thịnh nhất phương nam như các vùng Phước Kiến, Phật Sơn,Quảng Châu v.v… là nơi phát triển của dòng quyền Nam phái đặc thù.

Trở lại với núi La phù vốn nhiều cổ tự chôn dấu những học thuật bí truyền cũng như võ học riêng biệt không giống với các gia phái hoặc môn phái đương đại, do vẫn lưu giữ cái tinh túy của thực võ nên cũng là nơi đào luyện những cao thủ cần thiết cho cuộc chiến đang sôi động.
Ngày nay, nếu du khách đến viếng thăm, còn thấy dấu tích của hàng chục hang động rộng lớn đào sâu trong lòng núi hang hóc mấy chục dặm chằng chịt khắp nơi để nuôi quân, luyện quân và tẩu thoát khi cần thiết. Ta có thể ví công trình này như công trình Củ Chi của VN nhưng quy mô và to lớn hơn.


Vì Hồng quyền của La Phù Sơn phát triển theo chiều hướng đạo gia chú trọng vào nội khí khác với Hồng quyền tiêu biểu của Thiếu Lâm (tiểu hồng quyền, đại hồng quyền) vấn chú trọng ở thể lực và ngạnh công của ngoại gia và dĩ nhiên càng khác lạ với Hồng quyền của những môn phái tăm tiếng khác còn gìn giữ như Ngũ đài sơn, Hồng quyền quan ngoại, Nga my  v.v… và v.v…


Trên đây là nhiều hàng dài dòng về lịch sử Hồng quyền La Phù Sơn để cuối cùng đưa đến một kết luận rất … tai biến mạch máu não rằng:

Khi sư tổ nói Hồng Quyền LPS là nói đến cái kỹ thuật võ mà người học tại LPS hoặc nói về những kỹ thuật quyền pháp người đang dạy như ta nói: tôi học Thái cực quyền, tôi học Bát Quái quyền, tôi học Vĩnh xuân quyền, tôi học Hình Ý quyền, Bạch mi quyền chứ không nói một cách sai trật tôi học TC gia, BQ gia, VX gia, H Y gia hay BM gia được. Nói như vậy là quá sai trật về văn phạm cũng như về tông tích của môn phái.


Khi sư tổ nói La Phù Sơn Hồng Gia Quyền ( không phi HGQ LPS) là xác định vị trí thế đứng quyền thuật của núi La Phù để minh định chỗ khác biệt so với các GIA khác và cũng nói rõ địa vị LPS vẫn xem mình là một nhánh như các Gia đó có xuất xứ dơi cùng mt mái nhà(Gia) từ nguồn võ học luyện Hồng binh xa xưa.


Vậy, tùy trường hợp mà ta dùng chữ phải cho đúng, ( sư tổ ngày xưa là người rất nghiêm túc trong từng chữ từng lời nói một ) tôi xin được lạm quyền mà nói rõ lại:


Khi ta đi tập võ hay ta đang luyện võ thì ta tập Hồng quyền, chứ không tập Hồng Gia.
Chữ Gia trong Hồng Gia quyền chỉ dùng để nhận anh em và xác định kỹ thuật của mình so với các Hồng GIA quyền khác và bắt buộc phải đi sau danh xưng nhu Thiếu Lâm, hay Võ đang, Nga my, La Phù v.v…


Phụ Lục quan trọng khác mà quá nhiều người hiện nay từ nhầm lẫn đưa đến mờ mịt đưa đến sai lầm nghiêm trọng và dĩ nhiên là thông tin lệch lạc cho những thế hệ sau tiếp nối.


Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền là môn phái có nguồn gốc đặc sắc riêng và không có gốc gác hoặc liên hệ với LPS Hồng Gia Quyền hoặc LPSHQ như ngày nay nhiều người lầm tưởng hoặc thậm chí nặng nề hơn là đặt tên cho môn phái hoặc quyền pháp là TL HGQ LPS v.v…

Môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia Quyền do Hồng Hy Quan sáng lập, là một trong những môn phái rất lớn trong 200 năm gần đây có trên triệu người say mê luyện tập như Thái Cực quyền vậy.
Khi HHQ sống sót sau trận hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự Phúc Kiến ( không phải Tung Sơn ), ông ta truyền dạy võ công này lại cho các nghĩa sĩ của Hồng Môn và đặt ra tên này với cái nghĩa rõ rệt:


Thiếu Lâm ( nguồn gốc võ cuả HHQ) Hồng (họ) Gia (nhà- gia đình) Quyền (thế đánh). Nguyên văn có nghĩa là Kỹ thuật quyền pháp riêng biệt của nhà hoặc người họ Hồng học được từ kỹ thuật Thiếu Lâm.


Cũng như ta biết đến Thiếu Lâm Châu Gia Quyền từ võ sư Châu Thái hoặc hiện nay bên Hong Kong môn phái nổi tiếng cả quốc tế là Lau Family Hung Gor Kuen tức là Lưu Gia Hồng Gia Quyền hay có nghĩa là kỹ thuật Hồng (Hy Quan) Gia Quyền của nhà họ Lưu do Lưu Trạm ( học trò quyền sư Lâm Thế Vinh) sáng tạo và truyền cho con là Lưu Gia Lương, con nuôi là Lưu Gia Huy, học trò là Lưu Gia Nhân v.v…


Trở lại với TLHGQ của Hồng Hy Quan mà sau này do nhiều người lười biếng thích nói tắt dẫn đền sự ngộ nhận sâu xa là Hồng Gia Quyền. đi đến đâu khắp vùng lưỡng Quảng và các nước chung quanh do người Minh Di chạy trốn đem theo đều nói đến Hồng Gia Quyền, bao gồm các bài đặc biệt như Công Tự Phục Hổ Quyền, Hổ Hạc song hình quyền, Tiểu Phục Hổ quyền, Thiết Tuyến quyền ( luyện với các vòng sắt do quyền sư Thiết Kiều Tam sáng chế và thêm vào hệ thống TLHGQ ), Ngũ Hình Quyền v.v..


Các bài có tên trong đây có thể tìm thấy dễ dàng trên Youtube và hoàn toàn 100% không phải là Hồng Quyền La phù Sơn.


Cuối cùng, tôi xin đính kèm theo chữ Hồng Gia Quyền trên các văn bằng do sư tổ cấp phát để thấy rõ chữ Hồng(màu đỏ) của LPS không phải là chữ Hồng (to lớn) của Hồng Hy Quan mà nhiều người cứ nhận mình là xuất Thiếu Lâm. Chúng ta, nhìn sư tổ thì biết, ông mặc đạo bào bát quái cầm phất trần chứ không cạo đầu mặc áo cà sa tay cầm thiết trượng hoặc giới đao.


Hình rõ vậy, không ai chịu nhìn…



 Câu trả lời trên đây biết rằng sẽ gây động chạm đến nhiều cao thủ nhưng tiếc thay không thể làm ngơ khi lang thang trên web, thấy các bài viết hoặc article nói đến Hồng Gia (không có chữ quyền) LPS, mà cứ một hai nói về Thiếu Lâm, cho mình là một nhánh của Hồng Gia Hồng Hy Quan, lại còn dẫn chứng và đăng cũng như dẫn giải tường tận các bài quyền pháp có tên trên một cách thật rành rẻ.
Tôi không bao giờ nói những bài quyền trên là dở hoặc không hay, ngược lại tôi rất thích và thấy đó là những bài quyền quá hay và có tính cách đại diện cho môn phái, nhưng rất tiếc trong lãnh vực nghiên cứu để làm sáng tỏ một vấn đề thì đó không phải là quyền pháp của LPS Hồng Quyền.

Xin hẹn anh bạn ở câu trả lời kế tiếp


Keywords
Archive
January February March April May June July August September October (1) November (1) December
January February March April May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November December
January February March April (3) May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November (1) December
January February March April May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November December
January February March April May June July August September October November December